Tin hoạt động
Quay trở lại danh sách
Tin hoạt động
TỔNG HỢP CÁC CÂU HỎI GIAO LƯU TRỰC TUYẾN HƯỚNG ĐẾN PHÒNG NGỪA SỐT XUẤT HUYẾT BỀN VỮNG
- Thảo Nguyễn:
Dịch Covid cho ta thấy được vai trò quan trọng của vaccine trong kiểm soát bệnh, tuy nhiên tác dụng phụ của vaccine Covid vẫn còn ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người có bệnh nền, sốt xuất huyết có thể là trường hợp tương tự. Liệu chúng ta có nên đổi mới trong phương pháp kiểm soát muỗi, thay thế cho việc sử dụng vaccine không? Tôi muốn biết ý kiến của bác sĩ trong việc phân bổ nguồn lực cho 2 phương pháp này.
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái (phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương)
Việc dự phòng bằng vắc xin không thể thay thế được các biện pháp kiểm soát muỗi, bởi vì dù có vắc xin tốt đến đâu thì vẫn có nguy cơ do không có vắc xin nào toàn năng.
Trong thời điểm hiện tại - khi chưa có vắc xin, nguồn lực chính phân bổ vẫn là các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu.
Nếu như sau này có điều kiện đưa vắc xin sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng mở rộng thì sẽ tạo điều kiện rất lớn cho việc khống chế bệnh một cách chủ động và đặc hiệu. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo một tỉ trọng đáng kể nguồn lực dành cho dự phòng kiểm soát muỗi.
- Lĩnh Thanh:
Xin hỏi bác sĩ Vắc xin ngừa sốt huyết tiêm mấy mũi và ngừa được mấy tuýp vi rút gây bệnh? - Tiêm vắc xin sau bao lâu thì có hiệu quả ah? - Cơ hội phòng bệnh khi có vắc xin như thế nào?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Về nguyên tắc, một vắc xin sốt xuất huyết tốt phải phòng được cả 4 type DEN 1, 2, 3, 4 và không gây ra các tác dụng bất lợi dù là người được tiêm đã từng nhiễm hay chưa.
Các nghiên cứu hiện tại cho thấy vắc xin có thể tạo miễn dịch đầy đủ sau khi hoàn thành phác đồ 1 tháng và có khả năng phòng bệnh nặng cũng như nhập viện và tốt hơn nữa là phòng nhiễm cho người được tiêm.
Tuy nhiên, tỉ lệ phòng bệnh từng loại còn cần được theo dõi tiếp trong thời gian tới để đảm bảo rằng việc sử dụng trên vi mô rộng sẽ có độ an toàn cao nhất.
- Hạ Châu:
Bác sĩ có thể cho biết nếu có vắc xin thì phụ huynh có bớt lo lắng hơn không trước tình trạng mỗi năm đến dịch lại canh cánh trong lòng bao mối lo trẻ bị mắc sốt xuất huyết? Và các biện pháp truyền thống như diệt lăng quăng vẫn phải được quan tâm hàng đầu đúng không ạ?
+ TS.BS Nguyễn Minh Tuấn (trưởng khoa sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM):
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, cần phải áp dụng nhiều phương pháp, trong đó vắc xin là một trong những chiến lược có thể áp dụng để giảm số ca mắc và số ca nặng, nhưng cũng không thể thay thế được các biện pháp cơ bản như kiểm soát trung gian truyền bệnh là muỗi vằn và loăng quăng.
- Loan Mỹ:
Thưa bác sĩ Thái, sốt xuất huyết được coi là bệnh lưu hành tại nhiều quốc gia, vì sao nhiều bệnh đã được khống chế mà bệnh này không giảm, thậm chí tăng?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Những ý đã trả lời ở câu trên không chỉ là tình huống ở Việt Nam mà thế giới cũng chịu cùng một gánh nặng liên quan đến căn bệnh do muỗi truyền này.
Sở dĩ bệnh chưa được khống chế một cách toàn diện là do chúng ta chưa có được vắc xin an toàn và hiệu quả, cũng như đầy đủ về số lượng để ai cũng có thể tiếp cận được.
Ngay cả ở những quốc gia phát triển, việc đưa vắc xin vào cũng chỉ mới được thực hiện trong thời gian rất ngắn gần đây.
Vì vậy chúng ta cần chờ thêm để có thể đánh giá hiệu quả, khống chế được bệnh này.
- Ngọc Linh:
Vùng nào là trọng điểm sốt xuất huyết hiện nay và ông đánh giá dịch năm nay thế nào?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Trọng điểm bệnh sốt xuất huyết hiện nay vẫn tập trung vào hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội. Dịch diễn biến phức tạp và chưa có tuần nào mà không có ca bệnh. Theo xu hướng của số liệu những năm gần đây, dịch sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp với số lượng người bệnh ở mức cao và có thể gây quá tải hệ thống y tế vào những tháng đỉnh dịch.
Chính vì vậy cần sự vào cuộc của người dân và các ban ngành, đoàn thể chung tay phòng chống dịch.
- Lan Minh:
Vắc xin phòng sốt xuất huyết có sử dụng được cho trẻ em và bắt đầu từ nhóm tuổi nào?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Hiện tại thông tin kê toa của vắc xin sốt xuất huyết chưa được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt. Thông tin từ các quốc gia láng giềng đang triển khai vắc xin này cho thấy vắc xin có thể sử dụng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên.
- Ngọc Lam:
Gần đây có những dấu hiệu sốt xuất huyết không còn theo mùa mà có cả trái mùa vẫn tăng, những vùng trước đây ít sốt xuất huyết như Hà Nội giờ lại vượt cả TP.HCM, vì sao có tình trạng này?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Như đã trình bày ở câu trên, tình trạng biến đổi khí hậu cũng như việc thay đổi thói quen trong sinh hoạt đã giúp loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có thể tồn tại và hoạt động ngay cả trong mùa khô ở TP.HCM cũng như mùa đông giá lạnh ở Hà Nội. Ngoài ra, việc di chuyển dễ dàng cũng giúp những người bệnh di chuyển từ vùng dịch đến vùng không có dịch, từ đó tạo ra các ổ dịch mới.
Những biện pháp không đặc hiệu như diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường mang tính phong trào, nên chỉ cần chủ quan là đâu lại vào đấy. Trong những lần đi giám sát trong vụ dịch tại địa phương vẫn luôn phát hiện được các ổ bọ gậy, đấy còn chưa kể đến sự thiếu vào cuộc của người dân trong phòng chống dịch.
Chính vì vậy, để đảm bảo rằng có thể phòng sốt xuất huyết thì công tác phòng chống dịch cũng như truyền thông dựa vào cộng đồng là hết sức cần thiết và phải làm liên tục, không có điểm dừng.
- Hoan Ca:
Thưa ông Thái, một số nước trên thế giới đã cho sử dụng vắc xin ngừa sốt xuất huyết, về mặt cơ chế thì vắc xin ngừa sốt xuất huyết theo cách nào và hiệu quả ở các nước đã sử dụng vắc xin ra sao?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Kết quả sơ bộ từ các báo cáo về vắc xin sốt xuất huyết cho thấy đây là loại vắc xin được sản xuất theo công nghệ tái tổ hợp. Vắc xin tạo được miễn dịch với cả 4 type huyết thanh phổ biến DEN 1, 2, 3, 4. Tuy nhiên miễn dịch với từng type không hoàn toàn như nhau. Đánh giá về mức độ bảo vệ chung cho thấy vắc xin giúp giảm tỉ lệ nặng và nhập viện ở mức cao.
Tổ chức Y tế thế giới cũng đã chính thức khuyến cáo sử dụng vắc xin phòng sốt xuất huyết tại những vùng nguy cơ cao. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn phù hợp để áp dụng các khuyến cáo này của Tổ chức Y tế thế giới.
- Hoài Thanh:
Khi trẻ mắc sốt xuất huyết, khi nào thì cần đưa trẻ đến bệnh viện, chăm sóc ở nhà như thế nào?
+ TS. BS Nguyễn Minh Tuấn:
Cần đưa trẻ bị sốt xuất huyết nhập viện ngay nếu có dấu hiệu cảnh báo như mệt nhiều, bứt rứt, thay đổi hành vi trạng thái tinh thần bất thường, đau bụng, buồn nôn nhiều, nôn ói, tiểu ít, chảy máu ở các vị trí niêm mạc, đặc biệt là vào giai đoạn nguy hiểm từ ngày 3, 4 đến ngày thứ 7 của bệnh. Trẻ nhũ nhi, dư cân hoặc có bệnh nền cũng cần nên nhập viện.
- Nguyễn Hoàng:
Chào bác sĩ, tôi đang mang thai. Nếu tôi mắc sốt xuất huyết, thai nhi có bị ảnh hưởng không, có nguy cơ dị tật không?
+ TS.BS Nguyễn Minh Tuấn:
Người mang thai khi bị sốt xuất huyết trong giai đoạn ba ngày đầu sốt cao, có thể làm tăng nhịp tim thai, gây ảnh hưởng đến thai. Giai đoạn sau, nếu có các biến chứng như thoát dịch nhiều gây tụt huyết áp, sẽ làm ảnh hưởng đến dòng máu nuôi thai qua bánh nhau.
Một số trường hợp giảm tiểu cầu nặng có thể gây xuất huyết trong bánh nhau, nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến sảy thai. Nếu các biến chứng nặng của sốt xuất huyết xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ, có thể gây sảy thai, thai chết lưu; còn nếu xảy ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ, có thể gây sinh non.
Trường hợp mẹ bị sốt xuất huyết trong giai đoạn gần lúc chuyển dạ, trẻ sơ sinh mới chào đời có thể bị sốt xuất huyết do lây truyền từ mẹ. Chưa có bằng chứng rõ ràng về sự liên quan giữa sốt xuất huyết và dị tật ở thai nhi.
- Minh Trí:
Trong 4 tuýp virus gây sốt xuất huyết, tuýp nào gây bệnh cảnh nặng nhất và tần suất xuất hiện của nó?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Trong 4 type gây sốt xuất huyết thì DEN 2 có tần suất xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây và cũng là type có sự ghi nhận về số trường hợp nặng. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý là những lần nhiễm sau nguy cơ sẽ còn tăng hơn. Đây là lý do có những người trước đây nhiễm DEN 2 mà nay nhiễm DEN khác thì bệnh nặng hơn.
Nhưng xét tổng thể thì DEN 2 vẫn là type gây nguy cơ cao nhất.
- Thụy Hà:
Có điểm gì khác biệt với dịch sốt xuất huyết mà trong mùa dịch lớn năm 2023 vừa qua có nhiều người giảm tiểu cầu về mức rất thấp, rất khác lạ so với những năm trước?
+ TS.BS Nguyễn Minh Tuấn:
Trong dịch sốt xuất huyết năm 2023, các biểu hiện của bệnh cũng không có khác biệt so với những năm trước đây.
Tuy nhiên, những năm gần đây, sốt xuất huyết ngày càng xuất hiện nhiều ở người lớn, dễ gây biến chứng trên nội tạng như suy gan, hoặc có các biểu hiện về thần kinh như rối loạn tri giác.
Giảm tiểu cầu cũng dễ xảy ra nhiều và nặng ở người lớn và có thể gây xuất huyết nặng.
- Vĩnh Lạc:
Với Hà Nội và khu vực phía Bắc, mùa dịch thông thường là cuối năm, hiện có nên phòng dịch từ sớm để hiệu quả phòng tốt hơn, đặc biệt là diệt lăng quăng, diệt muỗi tại các gia đình?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Trước đây, dịch thường tập trung vào khoảng thời gian mùa thu tại khu vực phía Bắc, đặc biệt là khoảng thời gian gần với thời điểm tựu trường tháng 9. Trong mùa đông, có những thời điểm không có ca bệnh.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây ghi nhận bệnh quanh năm, không có tuần nào mà không ghi nhận trường hợp bệnh. Điều này có thể liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như việc có được điều kiện nhiệt độ trong nhà ấm, giúp cho loài muỗi gây bệnh luôn tồn tại.
Chính vì vậy, việc phòng dịch cần làm sớm và liên tục thì mới đảm bảo được cắt đi đường truyền nhiễm và khống chế bệnh.
- Anh Thư:
Tôi mắc sốt xuất huyết, nên ăn uống như thế nào cho nhanh hết bệnh?
+ TS.BS Nguyễn Minh Tuấn:
Khi sốt cao, cơ thể mất nước chính vì vậy cần phải bổ sung nước và điện giải bằng các dung dịch uống như Oresol, nước chín đun sôi để nguội, nước trái cây. Nên uống các loại nước trái cây, nước quả ép (như cam, bưởi, nước chanh, nước dừa) vì chứa nhiều khoáng chất và vitamin C tăng cường sức đề kháng.
Người bệnh thường cảm thấy rất mệt mỏi, chán ăn nên khi chế biến thức ăn cần chế thức ăn đơn giản, mềm dễ tiêu như: ăn cháo, súp, vừa giàu dinh dưỡng lại dễ hấp thu, có thể uống thêm sữa và các bữa phụ để giúp người bệnh nhanh hồi phục.
Tích cực bổ sung các món ăn giàu chất đạm khi bị SXH như trứng, thịt, sữa… thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…).
Hạn chế các đồ nhiều dầu mỡ, gia vị, các đồ ăn cứng khó tiêu. Không nên ăn uống những thực phẩm có màu nâu đen như cháo huyết, cà phê, nước ngọt, xá xị vì khi ói khó phân biệt với triệu chứng xuất huyết.
- Long Trần:
Những biện pháp phòng sốt xuất huyết truyền thống như diệt lăng quăng hay phun trừ muỗi thì áp dụng cách nào là tốt nhất? Muỗi gây sốt xuất huyết hay đốt và truyền bệnh vào ban ngày, phòng thế nào là hiệu quả?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Phòng từ gốc vẫn là mấu chốt, theo đó cần đảm bảo rằng không có loăng quăng, bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước như đã trả lời ở trên. Tuy nhiên trong những đợt bùng phát dịch, việc phun xua diệt muỗi cũng hết sức cần thiết để đảm bảo cắt ngay đường truyền bệnh.
Việc phòng muỗi đốt cần kết hợp đầy đủ các biện pháp như đã trả lời ở câu trên, chứ không thể dùng riêng một biện pháp mà đảm bảo được hết.
- Thái Từ Tốn:
Bị sốt xuất huyết có vô sinh không bác sĩ?
+ TS.BS Nguyễn Minh Tuấn:
Hiện nay chưa có bằng chứng về sự liên quan giữa sốt xuất huyết và tình trạng vô sinh.
- Hoài Trang:
Chào bác sĩ, những ngày trước em đi du lịch, bị muỗi lạ chích. Hai ngày nay cứ đêm là em có cảm giác ớn lạnh giống sốt rét, phải đắp nhiều lớp mền, cảm giác mệt mỏi đau lưng, đau đầu, buồn nôn nhưng chưa sốt cao. Có phải em đã bị sốt xuất huyết không?
+ TS. BS Nguyễn Minh Tuấn:
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Đây là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác nếu như bị muỗi vằn (có nhiều khoang trắng ở chân và lưng) mang mầm bệnh đốt.
Trong những ngày đầu tiên, bệnh nhân sốt xuất huyết thường chỉ biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, buồn nôn. Những triệu chứng này tương tự nhiều bệnh sốt do virus hoặc nhiễm trùng khác. Để xác định được bị sốt xuất huyết hay không, bạn có thể đến cơ sở y tế thăm khám và làm xét nghiệm.
- Linh Trúc:
Vì sao hiện đang mùa khô ở phía Nam nhưng rải rác vẫn có ca bệnh, trong khi trước đây bệnh hay bùng phát khi mưa xuống?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Chúng ta cùng nhớ rằng đây là loại muỗi sống cùng với người. Loăng quăng, bọ gậy có thể sống trong bình bông, nước đọng, thậm chí ở một số nơi có thể sống ở ngay trong máng thu nước và một số vật dụng chứa nước khác. Vì thế luôn tồn tại quần thể muỗi và một điểm quan trọng nữa là vi rút truyền từ thế hệ muỗi này sang thế hệ muỗi khác, từ đó duy trì nguồn bệnh lây cho cộng đồng.
Ngoài ra, việc giao lưu dễ dàng, di chuyển tần suất cao giữa các địa phương cũng là cơ sở để những người bệnh có thể di chuyển đến những vùng không có ca bệnh, từ đó tạo ra các ổ dịch rải rác.
- Thúy Mai:
Ông đánh giá thế nào về cơ hội phòng bệnh khi có thêm phương thức mới là vắc xin ngừa sốt xuất huyết?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Các biện pháp từ trước đến nay chúng ta áp dụng đều là những biện pháp không đặc hiệu hay còn gọi là can thiệp không dùng thuốc. Mỗi khi chúng ta nơi lỏng là lập tức dịch bùng phát và đã có rất nhiều cái chết đáng tiếc do mắc bệnh.
Việc dự phòng muỗi đốt cũng không thể nào thực hiện một cách tuyệt đối được. Vì vậy luôn có nguy cơ bị nhiễm bệnh trong những tình huống ít ngờ đến nhất. Đây chính là lý do mà hàng chục năm nay các nhà khoa học đã kiên trì tìm cách sản xuất ra vắc xin.
Vắc xin hiệu quả và an toàn là khi nó cung cấp khả năng bảo vệ trong khi không làm tăng nguy cơ tăng nặng bệnh. Nếu vắc xin như vậy được phê duyệt thì chính là cơ hội dự phòng chủ động và đặc hiệu đối với sốt xuất huyết. Từ đó mở ra con đường phòng chống bệnh bền vững.
- Tuấn Tú:
Khi bị sốt xuất huyết, có nên cạo gió không, xin bác sĩ tư vấn?
+ TS.BS Nguyễn Minh Tuấn:
Người bệnh sốt xuất huyết tuyệt đối không được thực hiện các biện pháp dân gian như cạo gió, xông hơi, cắt lễ, vì có thể sẽ làm tăng sự xuất huyết dưới da, các thành mạch sẽ bị vỡ và tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu trong sốt xuất huyết sẽ dễ gây xuất huyết nặng, nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu nên rất nguy hiểm với người bệnh.
- Văn Mai Hương:
Cần lưu tâm điều gì khi lựa chọn loại vắc xin sốt xuất huyết ở các cơ sở tiêm chủng ạ?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Hiện tại chúng ta chưa có sẵn vắc xin phòng sốt xuất huyết ở các cơ sở tiêm chủng. Tuy nhiên trong tương lai, việc các vắc xin sốt xuất huyết có ở trên thị trường cũng như sự gia nhập của nhiều hãng vắc xin khác nhau khi mà các thử nghiệm lâm sàng đều cho kết quả thành công trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết thì chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều hơn một sản phẩm để lựa chọn.
Việc chọn lựa vắc xin phù thuộc vào đối tượng như: độ tuổi, tình trạng đã từng mắc sốt xuất huyết hay chưa, tình trạng bệnh lý kèm theo, và nhiều yếu tố khác. Khi đó vai trò của bác sĩ tư vấn hết sức quan trọng trong việc định hướng sản phẩm nào phù hợp nhất cho bạn.
- Văn Minh:
Tại sao nhiều người đã mắc sốt xuất huyết rồi, mà vẫn bị mắc lại và lần sau còn mắc nặng hơn? Mỗi người có thể mắc tối đa bao nhiêu lần?
+ TS.BS Nguyễn Minh Tuấn:
Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra. Loại virus này gồm có 4 type là DEN 1, DEN 2, DEN 3, DEN 4. Sau khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh sẽ có miễn dịch với type virus đã mắc nhưng không có tác dụng bảo vệ với các type virus còn lại.
Do đó, người bệnh vẫn có thể bị tái nhiễm sốt xuất huyết và một người có thể bị tối đa 4 lần bệnh sốt xuất huyết trong suốt cuộc đời.
Đặc biệt, khi tái nhiễm, diễn biến bệnh thường nặng hơn lần đầu, thậm chí có thể gây tử vong. Điều này liên quan đến sự tăng cường miễn dịch của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh.
Bởi khi đó, các kháng thể đã có từ trước sẽ phản ứng mạnh hơn và gây ra các biến chứng liên quan đến thoát huyết tương, rối loạn đông máu, suy cơ quan dễ hơn so với mắc bệnh lần đầu.
- Trang:
Tôi nghe nói sắp có vắc xin phòng sốt xuất huyết! Vắc xin này có thể tiêm được cho đối tượng nào và hiệu quả dự phòng như thế nào?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Hiện tại chưa có vắc xin phòng sốt xuất huyết nào được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt. Tuy nhiên căn cứ vào thông tin có được từ các nước láng giềng với Việt Nam thì vắc xin sốt xuất huyết đã được đưa vào sử dụng để phòng bệnh sốt xuất huyết cho người dân.
Thông tin sơ bộ cho thấy vắc xin có thể được tiêm cho người từ 4 tuổi trở lên và bước đầu chứng minh được hiệu quả phòng bệnh.
- Bảo Phương:
Thưa bác sĩ, người trưởng thành từng mắc sốt xuất huyết hồi nhỏ thì có cần chích vaccine sốt xuất huyết nữa hay không? Có còn tác dụng không?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Vi rút gây bệnh sốt xuất huyết có bốn type: DEN 1, 2, 3, 4. Việc nhiễm với một type không giúp cho người bệnh phòng những type còn lại. Chính vì vậy có một số người nhiễm nhiều lần và điều nguy hiểm là lần sau lại nặng hơn lần trước.
Việc ra đời một loại vắc xin phù hợp để có thể tiêm cho cả những người đã từng nhiễm sẽ giúp người trưởng thành có miễn dịch đầy đủ hơn và tránh được tái nhiễm trong tương lai cũng như hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng.
Như vậy, người trưởng thành mắc sốt xuất huyết vẫn cần chích vắc xin khi mà vắc xin sẵn sàng có ở Việt Nam.
- Trọng Nhân:
Bác sĩ cho cháu hỏi những yếu tố nào gây sốt xuất huyết nặng hơn?
+ TS.BS Nguyễn Minh Tuấn:
Các yếu tố liên quan đến sốt xuất huyết nặng gồm cơ địa bệnh nhân, độc lực của virus và tình trạng đáp ứng của cơ thể bệnh nhân. Trẻ nhũ nhi, dư cân, phụ nữ có thai, người có bệnh nền dễ bệnh nặng hơn. Trong 4 type virus, DEN 2 thường dễ gây bệnh cảnh nặng hơn các type khác.
Tình trạng tái nhiễm cũng dễ nặng hơn so với bị sốt xuất huyết lần đầu. Tình trạng đáp ứng của cơ thể quá mạnh với sự xuất hiện các dấu hiệu biến chứng liên quan đến thoát huyết tương, rối loạn đông máu cũng dễ đưa đến bệnh nặng hơn.
- Hoàng Trung:
Tôi nghe nói trên thế giới đã có vắc xin phòng sốt xuất huyết. Vậy ở Việt Nam có vắc xin phòng bệnh này không? Nếu có thì tiêm ở đâu?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Hiện nay trên thế giới đang nghiên cứu rất nhiều các loại văc xin phòng bệnh sốt xuất huyết.
Tại Việt Nam, vắc xin cũng đã được thử nghiệm lâm sàng và đang trong quá trình chờ cấp phép. Ngay khi vắc xin được cấp phép, vắc xin có thể được sử dụng trong hệ thống tiêm chủng ngoài tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên khi vắc xin chưa về Việt Nam, các biện pháp dự phòng không đặc hiệu rất cần thiết và vẫn hiệu quả để kiểm soát bệnh sốt xuất huyết.
Mọi người cân tuân thủ những biện pháp dự phòng này để chung tay phòng chống sốt xuất huyết.
- Anh Tuấn:
Nếu mắc sốt xuất huyết, em có thể tự điều trị tại nhà không? Khi hết sốt, có phải là em đã hết bệnh?
+ TS.BS Nguyễn Minh Tuấn:
- Không phải bệnh nhân nào được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết cũng phải nhập viện điều trị. Cần xác định những đối tượng nên nhập viện, tránh trường hợp quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện. Người bị sốt xuất huyết nhẹ có thể điều trị tại nhà hoặc tại các cơ sở tuyến huyện, phường xã. Trong những ngày đầu, người mắc sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà và cần đi khám lại mỗi ngày dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Người bệnh có thể sử dụng các dung dịch bù nước, thuốc hạ sốt theo hướng dẫn. Nếu như có các dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng, cơ địa đặc biệt như trẻ nũ nhi, dư cân, phụ nữ có thai, người già hoặc bệnh lý nền như bệnh tim, phổi, gan, thận... thì cần phải nhập viện.
- Khi bị sốt xuất huyết, trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh.
Lúc này người bệnh có thể phục hồi nếu được chăm sóc đúng cách, nhưng cũng có thể diễn tiến xấu với các biểu hiện như: Mệt lả nhiều hơn, buồn nôn, đau tức vùng gan, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít,… thì cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
- Đặc biệt giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết thường xảy ra vào lúc người bệnh giảm hoặc hết sốt. Vì vậy cần chú ý theo dõi sát giai đoạn này, nếu như không có các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng thì bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn hồi phục.
Nhưng nếu có các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng như dù đã giảm hoặc hết sốt nhưng mệt nhiều hơn, thay đổi trạng thái tinh thần như kích thích, bứt rứt, lừ đừ, đau bụng, buồn nôn liên tục hoặc nôn ói, xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu răng, nôn ra máu, đi cầu phân đen, xuất huyết âm đạo... Đây là các dấu hiệu cảnh báo của biến chứng nặng của sốt xuất huyết là sốc, xuất huyết nặng suy đa cơ quan, có thể dẫn đến tử vong.
Bởi vì mức độ nguy hiểm của bệnh, nên khi thấy giảm sốt hoặc hết sốt, bạn vẫn cần đi khám để các bác sĩ xác định đã khỏi bệnh hay chưa, hay đây chỉ là giai đoạn giảm sốt trước khi bước vào giai đoạn nguy hiểm. Do đó, ý nghĩ hết sốt là khỏi bệnh sốt xuất huyết là không chính xác.
- Quang Hợp:
Khu vực nhà tôi đang có ổ dịch sốt xuất huyết, phải làm sao để phòng ngừa bệnh cho gia đình?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền. Đến nay, tại Việt Nam chưa có vắc xin đặc hiệu cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Bạn đang ở trong vùng có dịch, bạn cần nhớ rằng muỗi truyền bệnh là loại sống cùng với người. Do đó có thể có đàn muỗi mang vi rút đang hoạt động.
Để phòng bệnh, bạn cần thực hiện các biện pháp diệt muỗi như: ngủ màn kể cả ban ngày, bôi kem xua muỗi, mặc quần áo dài tay, dùng vợt điện, hương muỗi, có thể dùng lưới che cửa sổ để muỗi không bay vào nhà và phối hợp với cơ quan y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi. Đăc biệt chú ý các thời điểm muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hay đốt là lúc trời nhập nhoạng, sáng sớm và chiều tối.
Về lâu dài, bền vững, bạn cần thường xuyên loại bỏ các nơi muỗi đẻ trứng, phát triển; hàng tuần phải diệt lăng quăng, bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước. Đối với các dụng cụ chứa nước lớn, bạn có thể thả cá hoặc đậy kín. Bể nước công trình xây dựng có thể thả hóa chất diệt ấu trùng hoặc dầu. Đối với những dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ cần cọ rửa hàng tuần bằng bàn chải, đặc biệt tại chỗ mép nước.
Bạn cũng cần kiểm tra tại bình hoa, khay nước thải của điều hòa, tủ lạnh, bể nước nhà vệ sinh, bát nước kê chân chạn chống kiến. Đối với các vật dụng này, bạn cần thay nước hàng tuần hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng.
Đồng thời, lật úp những dụng cụ không dùng đến; kiểm tra vật dụng có thể chứa nước xung quanh nhà để lât úp hoặc tiêu hủy như: mảnh chum, vại; chai, lọ; lốp xe; vỏ dừa; máng hoặc dụng cụ chăn nuôi gia súc, gia cầm; hốc cây, bẹ lá...
- Vũ Nha:
Nếu dịch sốt xuất huyết bùng phát, đời sống chung của người dân chúng tôi sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Do sự biến đổi khí hậu, đô thị hoá nhanh của các địa phương, tập quán trữ nước trong các lu, khạp của người dân, cùng với việc loại bỏ các vật dụng chứa nước phế thải chưa được thực hiện triệt để, nhiều công trình xây dựng dở dang nước đọng đã tạo điều kiện cho muỗi phát triển và truyền bệnh... nên nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết vẫn luôn tồn tại qua từng năm.
Từ năm 2018-2022, số ca mắc sốt xuất huyết chiếm tỉ lệ cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm tạo nên gánh nặng y tế công cộng, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta vừa trải qua đợt ứng phó với COVID-19 và hàng loạt bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, đau mắt đỏ, bạch hầu...
Tổ chức Y tế thế giới xếp gánh nặng bệnh tật của sốt xuất huyết tương đương với bệnh viêm não Nhật Bản do bệnh có thể gây nên những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng và số lượng người mắc rất lớn. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nặng, diễn tiến rất nhanh và nguy cơ dẫn đến gây tử vong nếu không được chẩn đoán kịp thời và điều trị tích cực. Từ đó, đặt gánh nặng kinh tế lên cá nhân và cộng đồng.
Khi mắc bệnh sốt xuất huyết, người bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm để điều trị; người thân phải nghỉ làm để chăm sóc. Chi phí điều trị người dân phải chi trả không hề nhỏ so với thu nhập của mỗi hộ gia đình. Ngoài ra còn ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý, sức khỏe của người bệnh, của cộng đồng và tác động không nhỏ tới an sinh xã hội.
Theo nghiên cứu của Bộ Y tế tại một số bệnh viện thuộc khu vực miền Nam, trung bình mỗi người bệnh sốt xuất huyết dengue phải nghỉ từ 7-14 ngày để điều trị bệnh, người thân phải nghỉ việc từ 7-9 ngày để chăm sóc người bệnh.
Chi phí cho một người bệnh sốt xuất huyết dao động từ 40,7 USD đến 126,2 USD (nghĩa là từ 900.000 đến 2.700.000 đồng) tùy theo độ nặng và tuổi của người bệnh, các chi phí bao gồm các chi phí trực tiếp cho y tế như khám, xét nghiệm, điều trị và chi phí gián tiếp như như mua vật dụng, đi lại, ăn uống, chi cho người chăm sóc, chi phí bị mất do nghỉ việc và các khoản chi phí khác.
Bên cạnh đó còn có các khoản chi phí của Chính phủ để duy trì hoạt động của hệ thống khám chữa bệnh chưa được tính đến. Chỉ tính riêng số bệnh nhân nhập viện điều trị, giai đoạn 2010 - 2012, với gần 95.000 người bệnh mỗi năm, ước tính người dân đã phải chi phí 140 - 160 tỉ đồng Việt Nam một năm cho việc điều trị bệnh sốt xuất huyết tại bệnh viện. Ngoài ra còn một số lượng lớn người bệnh tự điều trị tại cộng đồng không đến cơ sở y tế nên chưa được thống kê.
Với những tác động nặng nề trên, việc chủ động phòng chống sốt xuất huyết toàn diện có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân, gia đình cũng như toàn xã hội.
- Nguyễn Dũng:
Nếu có vắc xin phòng sốt xuất huyết thì tính an toàn của loại vắc xin này như thế nào? Có đủ an toàn để dùng cho cả gia đình không thưa bác sĩ?
+ PGS.TS.BS Phạm Quang Thái:
Mỗi loại vắc xin đều phải trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng, xét duyệt kỹ lưỡng từ các cơ quan chức năng để đảm bảo tính an toàn trước khi được cấp phép sử dụng cho người dân.
Việc có một loại vắc xin hiệu quả và an toàn để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cho người dân sẽ giúp giảm số lượng ca mắc cũng như số lượng ca biến chứng nặng. Từ đó, giúp giảm áp lực cho hệ thống điều trị.
Và những người làm công tác điều trị có thể tối ưu hóa nguồn lực y tế cho việc điều trị các ca nặng, giảm số lượng ca tử vong. Do đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống điều trị và dự phòng (như tiêm chủng) có ý nghĩa rất quan trọng.
Việc phòng chống cần tiến hành một cách chủ động, toàn diện, liên tục và đồng bộ từ các biện pháp ngăn chặn nguồn lây truyền thống cho đến hiện đại, ứng dụng các thành tựu khoa học tiến bộ thì mới nhanh chóng đạt được hiệu quả rõ rệt.
Về câu hỏi của bạn, vắc xin có thể được sử dụng cho cả gia đình nếu như các thành viên trong gia đình có độ tuổi phù hợp với thông tin kê toa được Bộ Y tế phê duyệt.
Trong lúc chờ có sự phê duyệt này, các biện pháp dự phòng không đặc hiệu như vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy cũng như hạn chế để muỗi đốt vẫn là biện pháp chủ đạo.
- Ngọc Nam:
Xin hỏi bác sĩ triệu chứng của sốt xuất huyết khác như thế nào so với sốt thông thường? Làm sao để phân biệt?
+ TS.BS Nguyễn Minh Tuấn:
Bệnh sốt xuất huyết thông thường sẽ diễn biến qua ba giai đoạn:
- Trong 2-3 ngày đầu: Bệnh nhân sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, giống như các sốt do virus khác và chỉ phân biệt được bằng xét nghiệm.
- Từ cuối ngày thứ ba đến ngày thứ bảy: Bệnh nhân hạ sốt nhưng có thể xuất hiện các biến chứng như tăng tính thấm thành mạch gây thoát huyết tương, cô đặc máu, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, có thể gây xuất huyết như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi, chảy máu răng, ói dịch nâu đen, xuất huyết âm đạo, đi cầu phân đen, suy cơ quan ở các mức độ khác nhau.
- Từ ngày thứ bảy trở đi: Các triệu chứng trên sẽ hồi phục, bệnh nhân có thể xuất hiện các nốt ban trên da và ngứa. Triệu chứng ngứa có thể tồn tại một vài ngày.